Tại hội thảo Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã có những đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản vùng TP.HCM.
Thứ nhất, GRDP các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam duy trì phát triển ổn định và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.
Thứ hai, 3 tỉnh nằm trong khu vực TP.HCM và vùng phụ cận thuộc top 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất và thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Thứ ba, TP.HCM và vùng TP.HCM luôn là nền kinh tế có đóng góp lớn nhất cho quy mô GDP chung của cả nước.
Thứ tư là hàng loạt công trình hạ tầng giao thông đã chính thức được triển khai, đưa vào khai thác, dự kiến sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho thị trường địa ốc miền Nam.
Thứ năm là 5/5 tỉnh, thành trong vùng thuộc top 10 - 15 tỉnh thành có tổng vốn đăng ký FDI cao nhất cả nước.
Thứ sáu là 9 tháng năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 7,4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Dòng kiều hối kỳ vọng sẽ tạo trợ lực về dòng tiền cho thị trường địa ốc, đặc biệt khi Luật Đất đai 2024 mở rộng quyền sử dụng đất cho Việt kiều.
Nói về nguồn cung , ông Đính cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung nhà ở mới tại vùng TP.HCM đạt khoảng 11.000 sản phẩm, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ và được đóng góp bởi phân khúc căn hộ, biệt thự/liền kề, chiếm lần lượt 69% và 24%.
Riêng quý 3/2024, thị trường ghi nhận 2.073 sản phẩm mới, chủ yếu đến từ giai đoạn chào bán tiếp theo của các dự án tại TP.HCM, chiếm 70%.
Cơ cấu nguồn cung và giao dịch thị trường bất động sản nhà ở vùng TP.HCM. (Nguồn dữ liệu VARS)
Về nguồn cầu, sức cầu đã dần cải thiện và có tín hiệu phục hồi rõ nét vào cuối quý 3 với động lực từ nguồn cung mới và thông tin tái khởi động các dự án.
Sức cầu vẫn tập trung tại các dự án phục vụ nhu cầu ở, nhất là phân khúc căn hộ. Các dự án mở bán đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Về giao dịch, tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới trong 9 tháng ước đạt khoảng 55%, tương đương khoảng 6.000 sản phẩm được giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu được đóng góp bởi phân khúc căn hộ, chiếm hơn 80%.
Các dự án thấp tầng mở bán mới cũng được hấp thụ khá tốt, chủ yếu được đóng góp từ các dự án ở Bình Dương và Đồng Nai.
Về giá bán, giá bán bình quân dự án ở TP.HCM tăng từ 49,2 triệu đồng/m2 lên 64,2 triệu đồng/m2, phản ánh mức tăng 30,6% so với quý 1/2019.
Ông Đính cho rằng: "Giá bán sơ cấp tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn khan hiếm, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Các dự án tiếp tục được mở bán với nhiều chính sách thanh toán, vay vốn và ưu đãi lãi suất hấp dẫn để hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Mặt bằng giá thứ cấp phân hóa theo phân khúc. Phân khúc căn hộ tăng nhẹ, khoảng 10% so với cùng kỳ. Phân khúc thấp tầng tiếp tục đi ngang, bắt đầu tăng nhẹ với động lực từ nguồn cung mới".