Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có kết luận về việc thực hiện chủ đề năm 2024 “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.
Theo đó, năm 2024, các cơ quan, ban ngành tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Cụ thể, bảy tháng đầu năm 2024, các chỉ số PAR, SIPAS và PCI của tỉnh tăng 10 bậc so với kết quả xếp hạng năm 2023; chỉ số PAPI của tỉnh duy trì nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu của cả nước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận kết quả đạt được của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, mặc dù một số tỉ lệ đạt được vẫn còn thấp hơn tỉ lệ trung bình của cả nước nhưng sự chuyển biến rất tích cực, các giải pháp đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị cần tăng cường tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai đối với các dự án đã kéo dài nhiều năm, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận cho 124 xã, phường, thị trấn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường công khai theo quy định, nhất là công khai trên Cổng Thông tin điện tử về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, danh mục các dự án, lĩnh vực cần thu hút đầu tư…
Cạnh đó là duy trì chương trình làm việc hàng tháng giữa lãnh đạo UBND tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; khắc phục tình trạng thủ tục hành chính chưa đồng bộ giữa hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử; gắn với xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử; tập trung giải quyết hồ sơ hành chính đúng thời gian.
Nhân rộng Mô hình “Công dân không viết” trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh và mô hình “Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp”.
Ban Thường vụ cũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu, thông số, phương pháp tính, đối tượng lấy ý kiến đánh giá các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI. Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể hơn nữa; giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện có hiệu quả và góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số như mục tiêu của UBND tỉnh đã đề ra.
Một vấn đề quan trọng khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận lưu ý các ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ ở các bộ phận, các cơ quan có liên quan; chú trọng công tác tư tưởng và bổ sung nhân lực cho các cơ quan, bộ phận trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
"Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cho người dân và doanh nghiệp” - văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận kết luận.