Bình Thuận sẽ thành trung tâm năng lượng xanh

Ngoài dự án điện khí lớn nhất, tỉnh Bình Thuận đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời.

Với lợi thế riêng biệt về điều kiện tự nhiên đầy nắng, gió, Bình Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ về năng lượng sạch, nhằm hiện thực hóa định hướng Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sớm trở thành trung tâm năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh của quốc gia.

Khai thác tài nguyên nắng và gió

Tháng 7-2023, UBND tỉnh Bình Thuận ký Quyết định số 1345/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ. Theo đó, dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ có tổng vốn đầu tư khoảng 1,34 tỉ USD, do Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ là nhà đầu tư, đây là liên doanh giữa PV Gas thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn AES (Mỹ). Quy mô dự án có diện tích hơn 3.500 ha, thực hiện tại địa điểm xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu của dự án gồm: Kho chứa LNG tái hóa khí phục vụ cho nhà máy điện Sơn Mỹ I và II; cảng nhập LNG. Công suất thiết kế kho cảng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 6 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào quý IV/2027, giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2030. Thời gian hoạt động của dự án là 35 năm.

Đây là một trong những dự án kho cảng LNG lớn nhất Việt Nam, tạo tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Ông Joe Uddo, Chủ tịch AES Việt Nam - chủ đầu tư dự án, cho rằng với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn lực con người, Bình Thuận có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực năng lượng xanh. AES là nhà đầu tư của Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào năng lượng tương lai của Việt Nam. "Khối lượng khí của nhà máy sẽ đủ năng lực cung cấp năng lượng cho 15 triệu gia đình. Việc xây dựng nhà máy sẽ tạo ra hơn 1.500 việc làm và đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Dự án của chúng tôi ở Bình Thuận còn tạo cơ hội cho chuyển giao công nghệ, tri thức, tạo ra những sự khác biệt lâu dài trong lĩnh vực năng lượng" - ông Uddo kỳ vọng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham quan mô hình điện khí LNG tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngoài dự án điện khí tại Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời.

Với số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn của các tỉnh khác, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao giúp Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời. Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng dự thảo Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động, phát điện với tổng công suất 1.409,71 MW; gồm 9 nhà máy điện gió với công suất 299,6 MW, 26 nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 1.110,11 MW. Các nhà máy này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký khảo sát, lập dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án với tổng công suất 25.200 MW được các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất; trong đó, dự án Thăng Long Wind có công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát…

Năng lượng xanh hấp dẫn nhà đầu tư

Mới đây, tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng với điều kiện và lợi thế riêng, Bình Thuận được xác định là một trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch. "Bình Thuận cần tiếp tục tận dụng được lợi thế của vùng đất đầy nắng và gió. Đây chính là lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng. Bình Thuận có nguồn lớn về titan, khai khoáng… nhưng tài nguyên này rồi sẽ cạn kiệt. Chỉ có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo là động lực mới để Bình Thuận phát triển bền vững. Tôi cho rằng đây là một vấn đề có tính đột phá trong phát triển đối với Bình Thuận" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vùng đất Bình Thuận đầy gió và nắng là sự khác biệt so với các địa phương khác, đây chính là nguồn lực hấp dẫn mạnh nhất đối với các nhà đầu tư trong xu thế kinh tế hiện nay. "Khi chúng ta đặt mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, khi mà trong mỗi sản phẩm hàng hóa đều phải lượng hóa chi phí để xử lý CO2 thì năng lượng xanh chính là sự hấp dẫn thay thế những hấp dẫn trước đây: nguồn nhân lực giá rẻ, tài nguyên đất đai và miễn thuế..." - Phó Thủ tướng kỳ vọng.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết công nghiệp là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận, bên cạnh dịch vụ - du lịch và nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được địa phương ưu tiên phát triển, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu tiếp tục phát triển công nghiệp năng lượng với tốc độ tăng trưởng cao (15%-17%/năm), là ngành có đóng góp lớn nhất vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp Bình Thuận (trên 70%). Trong quy hoạch này, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia; tập trung hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng.

Bài viết cùng chuyên mục

Lộ diện thời điểm đất phân lô phía Nam "bật" tăng giá cao nhất

Những nhà đầu tư “săn” được đất phân lô giá tốt trong khoảng cuối năm 2022 đến cuối năm 2023 đang “mở cờ trong bụng” khi giá đất bắt đầu nhích dần, kì vọng bước vào chu kì tăng giá sớm hơn dự báo.

Bất động sản nghỉ dưỡng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với nguồn cầu và hoạt động kinh doanh cải thiện rõ rệt tại hầu hết các điểm đến.

Hiện nay, đầu tư đất nền ngoại thành rất hấp dẫn

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, hiện nay giá bất động sản nội đô tăng quá cao khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang mua đất nền ngoại thành. Phân khúc đất nền từ đó cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Đất nền phân lô phía Nam chính thức bước vào chu kì mới?

Cả mức độ quan tâm và giá bắt đầu nhích dần, thị trường đất nền phía Nam kì vọng sẽ bắt đầu chu kì mới vào giữa năm 2025.

Nhà căn góc có đáng mua?

Dù được nhiều người chọn mua, thậm chí có mức giá cao hơn căn thường song căn góc vẫn có những hạn chế riêng, vậy có nên mua căn góc?

Nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22%

Đó là chia sẻ của ông Bạch Dương – Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (thành viên tập đoàn PropertyGuru) tại sự kiện “giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru cán mốc 10 năm vinh danh các “biểu tượng” ngành bất động sản” diễn ra tối ngày 15/11/2024 tại Tp.HCM.
Đăng tin ngay