Bộ Xây dựng: Chung cư sốt nóng, môi giới cọc căn chung cư 5 tỷ, trong vòng 1 tháng tìm khách bán chênh thành 6-7 tỷ đồng

Đây là một ví dụ Bộ Xây dựng nêu ra tại báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về một số hoạt động của môi giới tác động đến giá bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo số 5333 gửi Văn phòng Chính phủ về việc phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản.

Theo đó, Bộ cho rằng, một số chủ đầu tư dự án bất động sản tận dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bất động sản cao, với mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản.

Đặc biệt, trong trường hợp tại một khu vực chỉ có rất ít, thậm chí duy nhất một dự án mở bán trong khi nhu cầu và số lượng người đăng ký mua nhiều thì chủ đầu tư có thể nâng giá bán (do không có cạnh tranh và giá tham chiếu) để thu lợi.

Bên cạnh đó, một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản nhiễu loạn thông tin thị trường để thổi giá, tạo giá ảo... và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.

Bộ Xây dựng nêu ra tại báo cáo, cơ bản chủ đầu tư các dự án nhà ở dành trung bình khoảng 3% giá bán trả cho bên sàn giao dịch, môi giới bán hàng. Tuy nhiên, bên sàn giao dịch, môi giới thường lựa theo tình hình thị trường để cộng thêm giá khi giao dịch với khách hàng. Các dự án có ít sản phẩm mà nhiều khách hàng quan tâm thường người mua phải trả thêm tiền so với giá trong hợp đồng đồng ký kết với chủ đầu tư gọi là tiền chênh.

Số tiền chênh này không cố định mà tùy thuộc vào sức nóng của thị trường, của dự án và thỏa thuận của bên môi giới với khách hàng, có thể ở mức 5% giá bán, thậm chí 10% hoặc 20%.

Ví dụ, một dự án nhà ở thấp tầng ở Hưng Yên, các căn bán ra với giá khoảng 7-8 tỷ đồng/căn thì khách hàng phải trả tiền chênh trung bình khoảng 750 triệu tương đương 10%; nhưng khi dự án hạ nhiệt thì tiền chênh này cũng giảm xuống khoảng 250 triệu đồng thậm chí nhiều sàn chấp nhận bán không có tiền chênh.

Giao dịch bất động sản nhà ở, đất ở tại thị trường thứ cấp cũng bị đẩy giá do hoạt động môi giới, trung gian. Thông thường, bên bán phải chi 1% giá bán cho bên môi giới. Tuy nhiên, khi thị trường sốt nóng, môi giới thường cộng thêm tiền chênh để giao dịch với khách hàng. Một căn chung cư giá bán khoảng 5 tỷ đồng, môi giới có thể gửi giá khoảng 200-300 triệu đồng tương đương 5%; một căn nhà liền kề giá khoảng 10 tỷ, môi giới có thể gửi giá khoảng 500 triệu đồng tương đương 5% giá bán.

Trong giai đoạn sốt nóng của thị trường, nhiều môi giới còn sử dụng cách đặt cọc để mua nhà ở, đất ở của người bán rồi tăng giá 10-15% và giao bán cho người khác. Ví dụ, căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ, bên môi giới đặt cọc 1 tỷ để mua và thỏa thuận thanh toán trong 1 tháng, trong vòng 1 tháng này, bên môi giới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6-7 tỷ.

Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp cho thấy, chính các hoạt động này của một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân môi giới bất động sản cũng là một phần nguyên nhân làm tăng giá bất động sản trong thời gian qua.

Trước đà tăng giá của bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế...

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý" nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản...

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Lộ diện thời điểm đất phân lô phía Nam "bật" tăng giá cao nhất

Những nhà đầu tư “săn” được đất phân lô giá tốt trong khoảng cuối năm 2022 đến cuối năm 2023 đang “mở cờ trong bụng” khi giá đất bắt đầu nhích dần, kì vọng bước vào chu kì tăng giá sớm hơn dự báo.

Bất động sản nghỉ dưỡng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với nguồn cầu và hoạt động kinh doanh cải thiện rõ rệt tại hầu hết các điểm đến.

Hiện nay, đầu tư đất nền ngoại thành rất hấp dẫn

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, hiện nay giá bất động sản nội đô tăng quá cao khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang mua đất nền ngoại thành. Phân khúc đất nền từ đó cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Đất nền phân lô phía Nam chính thức bước vào chu kì mới?

Cả mức độ quan tâm và giá bắt đầu nhích dần, thị trường đất nền phía Nam kì vọng sẽ bắt đầu chu kì mới vào giữa năm 2025.

Nhà căn góc có đáng mua?

Dù được nhiều người chọn mua, thậm chí có mức giá cao hơn căn thường song căn góc vẫn có những hạn chế riêng, vậy có nên mua căn góc?

Nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22%

Đó là chia sẻ của ông Bạch Dương – Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (thành viên tập đoàn PropertyGuru) tại sự kiện “giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru cán mốc 10 năm vinh danh các “biểu tượng” ngành bất động sản” diễn ra tối ngày 15/11/2024 tại Tp.HCM.
Đăng tin ngay