Chung cư thời "ngáo giá": Rao bán 3,9 tỷ, môi giới giục khách chốt nhanh vì ngày mai có thể tăng lên 4,1 tỷ đồng

Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin về giá bất động sản như hiện nay, người mua nhà nên tỉnh táo và tìm hiểu kỹ thông tin về lịch sử tăng giá, tránh rơi vào chiêu trò thổi giá.

Giá nhà liên tục tăng cao bất thường

Anh Dũng (42 tuổi) đang sinh sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cảm thấy chưa bao giờ giá nhà ở Hà Nội tăng bất chấp như hiện tại.

Đi tìm mua nhà từ cuối năm 2023 với tài chính trong tay tầm 5 tỷ đồng, lúc đầu anh Dũng tự tin có thể tìm được một căn nhà đất trong trung tâm Hà Nội. Thế nhưng khi tìm được được căn ưng ý muốn vào đặt cọc thì chủ nhà liền thay đổi ý định, không bán nữa. Những căn nhà hỏi sau giá lại càng leo thang hơn giá trước.

Sang năm 2024, giá nhà đất càng tăng cao. Nhiều căn nhà trong ngõ có diện tích 30-40m2 (bán kính cách trung tâm Hà Nội 5-6km) mức giá từ 4,5 - 5,1 tỷ đồng vào năm ngoái, thì đến nay đã lên tới 7-8 tỷ đồng. Vượt ngoài nguồn tài chính, anh Dũng quyết định chuyển hướng sang tìm mua căn hộ chung cư. Tuy nhiên, ngay sau đó anh cũng không khỏi giật mình khi chứng kiến mức tăng đột biến của loại hình này.

Anh có hỏi thăm một căn chung cư 62 m2 trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, ban đầu được chủ nhà rao bán với giá 3,7 tỷ đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, anh hỏi lại thì giá đã lên 3,9 tỷ đồng. Thậm chí, môi giới còn "giục" anh chốt mua nhanh, vì ngày mai có thể giá tăng lên 4,1 tỷ đồng với lý do đường chuẩn bị mở rộng.

"Có những trường hợp, cùng một căn hộ, tôi hỏi thăm môi giới này báo với giá A, nhưng hỏi sang môi giới khác lại là giá A cộng với vài chục đến vài trăm triệu đồng. Rõ ràng họ đang tự thiết lập giá mới rất nhanh, không theo bất cứ một quy luật tăng trưởng nào", anh Dũng kể lại.

Không ít người rơi vào tình cảnh như anh Dũng, đã và đang “ngồi trên đống lửa”, lo lắng trước đà tăng giá “phi mã” này. Vì vậy, xuất hiện tâm lý sợ giá tăng, sợ bỏ lỡ càng khiến họ đẩy nhanh quyết định xuống tiền hơn.

Như trường hợp của chị Hiền, cách đây không lâu vừa mạnh dạn vay thêm 1 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư tại quận Nam Từ Liêm với giá 2,5 tỷ đồng. Dù biết giá đã cao nhưng cứ cách ngày hỏi, giá lại tăng lên cả hàng chục triệu đồng.

"Nếu không quyết định mua nhanh, có lẽ bây giờ tôi phải bỏ ra gần 2,6 tỷ đồng mới mua được căn hộ đang ở", chị Hiền chia sẻ.

Cần tỉnh táo trước những chiêu trò thổi giá

Theo giới chuyên gia, giá nhà tăng cao được cho rằng do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng lớn.

Như ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng thẳng thắn nhận xét rằng, giai đoạn vừa qua giá chung cư đã tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

"Hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Đính cho biết.

Ông Đính diễn giải thêm, những nhóm lợi ích này lợi dụng tình trạng nguồn cung căn hộ chung cư khan hiếm để thực hiện được các chiêu trò thổi giá. Trên thực tế, trong vài năm gần đây không có hoặc rất ít dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư tại Hà Nội. Các dự án trên thị trường chủ yếu là dự án cũ và được mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cấu trúc sản phẩm không phù hợp.

Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh mất thêm tiền.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để mua nhà không bị hớ thì nên chủ động khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, cùng khu vực, cùng phân khúc. Nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá môi giới đưa ra thì cần cân nhắc trả giá hoặc tìm đến chủ nhà.

Dù vậy, liên quan tới thực trạng môi giới ăn “chênh lệch” quá nhiều, vị chuyên gia này nhận định, không hiếm môi giới hiện nay dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch.

Nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin. Do đó, người mua nhà cần tỉnh táo trước các chiêu trò làm nhiễu giá của môi giới, ông Điệp khuyến cáo.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện yêu cầu tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ, các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

"Choáng" với giá biệt thự Tp.HCM chạm mốc 700 tỉ đồng/căn

Trong báo cáo quý 3/2024, DKRA Group chỉ ra mức giá sơ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự Tp.HCM và khu lân cận.

Nhà đầu tư phía Nam: "Tôi chờ đến cuối năm để mua đất giá rẻ"

Đó là tâm sự của một nhóm người mua vẫn trong trạng thái chờ đợi, nghe ngóng. Họ vẫn kì vọng từ nay đến cuối năm thị trường sẽ có thêm một đợt "ngộp" về giá diễn ra ở phân khúc đất nền, nhà phố.

Thị trường bất động sản “náo nhiệt” trở lại

Thị trường bất động sản (BĐS) quý III nói riêng và 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn, nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Có bất động sản tăng giá bền vững, có bất động sản chỉ mãi “ngủ đông”, lý do của sự khác biệt không phải người mua nào cũng biết

Nhà hiện không chỉ là nơi ở mà còn là tài sản có giá trị, là nơi cất trữ tiền sau cả quá trình làm việc, tích lũy.

Xây cầu vượt QL1 ở nút giao Ba Bàu vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Bộ GTVT vừa có quyết định phê duyệt, điều chỉnh nghiên cứu khả thi, xây cầu vượt ở nút giao Ba Bàu vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhằm tránh xung đột giao thông.
Đăng tin ngay