Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III) sẽ được tỉnh Bình Thuận đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Dự án có quy mô khoảng 219 ha, dân số dự kiến khoảng 15.000 người với tổng vốn đầu tư chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III). Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu theo quy định hiện hành.
Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né là khu đô thị mới với các khu nhà ở riêng lẻ, nhà phố kết hợp thương mại dịch vụ có công năng phục vụ hỗn hợp, chung cư (nếu có), nhà ở xã hội... (để bán, cho thuê, cho thuê mua) đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội với các công trình công cộng, công trình thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục, công viên cây xanh; các công trình dịch vụ lưu trú, khách sạn để kinh doanh bất động sản. Quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Khu đô thị này có vị trí tại phường Phú Hài, phường Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết). Diện tích đất, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 219 ha. Dân số dự kiến khoảng 15.000 người.
Khu vực đường Võ Nguyên Giáp, phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết là phía Đông Nam của Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né (khu III).
Dự án sẽ đầu tư xây dựng khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và nhà ở. Trong đó, bố trí quỹ đất ở để xây dựng nhà ở, bố trí đất nền để kinh doanh; dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội; bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở tái định cư (nếu có); đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình thương mại, dịch vụ (để khai thác, chuyển nhượng hoặc cho thuê), đồng bộ với hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật (ngầm), hạ tầng kỹ thuật đầu mối để phục vụ việc khai thác, vận hành dự án.
Nhà đầu tư sẽ thực hiện phương thức xây dựng các công trình thương mại dịch vụ để bán, cho thuê, cho thuê mua, triển khai kinh doanh bất động sản theo quy định.
Tổng vốn đầu tư dự án (chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng) dự kiến là hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án, tiến độ góp vốn theo quy định. Chủ đầu tư được huy động tối đa 85% tổng vốn đầu tư.
Sau khi được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án, địa phương yêu cầu nhà đầu tư góp đủ vốn theo tiến độ, triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ đã chấp thuận.
Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng mục tiêu và tiến độ dự án đã được chấp thuận thì không được hưởng các chính sách ưu đãi và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.