Gần 14 triệu tỉ nằm trong ngân hàng, Thủ tướng ra chỉ đạo '5 tăng, 5 giảm'

Các ngân hàng cần tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng tháo gỡ vướng mắc, tăng công khai minh bạch và giảm lãi suất, chi phí cho vay, thủ tục hành chính và phiền hà tới người dân doanh nghiệp...

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành ngân hàng, song Thủ tướng cho rằng tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm không cao, dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn (hiện trên 13,6 triệu tỉ đồng so với 13,8 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2023).

Định hướng chỉ đạo: '5 tăng, 5 giảm"

Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm, nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro, một số vụ việc, như vụ SCB, cho thấy việc giám sát phải chặt chẽ, hiệu quả hơn. Kết quả thực hiện một số chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng (như gói 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội)…

Vì vậy, để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ nêu ra định hướng chỉ đạo điều hành, khái quát với ba cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

Trong đó, "Năm tăng" gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới.

Tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính.

Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Năm giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

"Năm tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo điều hành là: Bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành "giật cục". Không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng "xoay chuyển tình thế", "chuyển đổi trạng thái"...

Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên

Theo đó, ông giao nhiệm vụ cụ thể với các đơn vị liên quan. Trong đó Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá.

Các ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Trong đó lưu ý ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu.

Triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân.

Các bộ ngành liên quan cũng được giao phối hợp với ngân hàng điều hành chính sách tài khóa đồng bộ chặt chẽ với chính sách tiền tệ, hoàn thiện quy định triển khai các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, nâng cao hiệu quả các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh...

Có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ. Ưu tiên nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen…

 

Bài viết cùng chuyên mục

Lộ diện thời điểm đất phân lô phía Nam "bật" tăng giá cao nhất

Những nhà đầu tư “săn” được đất phân lô giá tốt trong khoảng cuối năm 2022 đến cuối năm 2023 đang “mở cờ trong bụng” khi giá đất bắt đầu nhích dần, kì vọng bước vào chu kì tăng giá sớm hơn dự báo.

Bất động sản nghỉ dưỡng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với nguồn cầu và hoạt động kinh doanh cải thiện rõ rệt tại hầu hết các điểm đến.

Hiện nay, đầu tư đất nền ngoại thành rất hấp dẫn

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, hiện nay giá bất động sản nội đô tăng quá cao khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang mua đất nền ngoại thành. Phân khúc đất nền từ đó cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Đất nền phân lô phía Nam chính thức bước vào chu kì mới?

Cả mức độ quan tâm và giá bắt đầu nhích dần, thị trường đất nền phía Nam kì vọng sẽ bắt đầu chu kì mới vào giữa năm 2025.

Nhà căn góc có đáng mua?

Dù được nhiều người chọn mua, thậm chí có mức giá cao hơn căn thường song căn góc vẫn có những hạn chế riêng, vậy có nên mua căn góc?

Nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng 22%

Đó là chia sẻ của ông Bạch Dương – Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (thành viên tập đoàn PropertyGuru) tại sự kiện “giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru cán mốc 10 năm vinh danh các “biểu tượng” ngành bất động sản” diễn ra tối ngày 15/11/2024 tại Tp.HCM.
Đăng tin ngay