Theo chuyên gia, nếu so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản thì bất động sản tăng khủng khiếp nhất. Và trong thời gian tới, giá nhà đất vẫn khó lòng “hạ nhiệt”.
Tại Talkshow "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam" mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, từ năm 1990 đến nay, Giá vàng tại Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần, chứng khoán tăng 12 lần.
Trong khi đó, giá Bất động sản tại Mỹ và một số nơi như Seoul, Paris mà nhóm chuyên gia khảo sát đã tăng khoảng 100 lần.
Cùng thời gian đó ở Việt Nam, giá Bất động sản tăng thấp nhất ở những vùng xa xôi là 100 lần, còn tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM tăng khoảng 400 lần.
Nhận định trên trùng khớp với những con số trong báo cáo thị trường quý 1.2024 của Bộ Xây dựng. Theo đó, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội hiện đã tăng khoảng 38% so với năm 2019. Thậm chí, nhiều dự án đã đi vào sử dụng 5 - 10 năm nhưng vẫn bị đẩy giá lên ngưỡng mới.
“Bất động sản là một trong những sản phẩm có tốc độ tăng giá khá cao. Đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà còn là trên toàn thế giới. Bởi lẽ, đất là một tài sản hữu hạn và gắn với cơ sở hạ tầng, trong đó có cả những cơ sở hạ tầng mềm, ví dụ trường học, bệnh viện… Những tiện ích đó không thể phát triển một cách dễ dàng và nhanh chóng. Như ở Mỹ, nếu để hoàn thiện cơ sở hạ tầng như bên Trung Quốc, chính phủ sẽ phải đầu tư thêm 3.400 tỷ USD”, ông Nghĩa nhận định.
Chuyên gia này cũng dự báo, giá nhà đất sẽ khó lòng “hạ nhiệt” trong thời gian tới. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn cung trên thị trường vẫn còn hạn chế, hàng loạt dự án vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu”, trong khi sức cầu lại rất lớn.
Bên cạnh đó, tâm lý “tấc đất, tấc vàng” khiến nhiều người Việt lựa chọn Bất động sản như một kênh tích trữ tài sản cả trong ngắn hạn và dài hạn. Nhất là trong bối cảnh thị trường địa ốc dần trở nên khởi sắc hơn, tâm lý đầu tư lại càng dâng cao.
Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu, có tới 62% số người trả lời cho biết đã sẵn sàng tận dụng cơ hội để mua Bất động sản giảm giá hoặc có chính sách tốt.
Vấn đề đáng bàn hiện nay là vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ vướng mắc cho hàng nghìn dự án đang đắp chiếu nằm ở Hà Nội và TP.HCM.
“Tôi nghĩ các dự án chưa thể triển khai tiếp một phần vì lý do chủ đầu tư không có tiền, một phần là do thủ tục pháp lý. Một khi chủ đầu tư không có tiền thì không thể nộp tiền thuế quyền sử dụng đất”, ông Nghĩa chia sẻ.
Vị này cũng cho rằng, tài chính cho thị trường bất động sản là một vấn đề rất quan trọng. Những năm gần đây, thị trường có một nguồn vốn mới là trái phiếu doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đã huy động vốn qua kênh này nhưng do nhiều nguyên nhân mà hiện nay họ đang gặp khó khăn về thanh khoản.