Luật hóa hoạt động lấn biển
Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 đã có những quy định mở cho hoạt động lấn biển. Cụ thể Điều 190 quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động
Cùng với đó, Luật cũng quy định hoạt động lấn biển phải tuân thủ 5 nguyên tắc sau đây: Thứ nhất, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thứ hai, dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thứ ba, phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị. Thứ tư, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng. Thứ năm, hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP hiệu lực từ 1/8/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó có hoạt động lấn biển. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động lấn biển.
Trước đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 "Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Theo GS TS Đỗ Công Thung, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và môi trường biển, Việt Nam là một quốc gia biển với hơn 3.000 km bờ biển, diện tích biển gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Như vậy không gian biển rất quan trọng với sinh tồn, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì lấn biển chính là nhằm tạo lập không gian phát triển mới, phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đây, do chưa có hành lang pháp lý cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biển nên một số dự án lấn biển tại nước ta gặp vướng mắc trong triển khai và chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Rạch Giá, Kiên Giang phát triển mạnh mẽ nhờ khu lấn biển đầu tiên của cả nước được triển khai từ năm 1999.
GS TS Đỗ Công Thung đánh giá hệ thống văn bản luật trên là cơ sở quan trọng để đến năm 2045 Việt Nam có thể trở thành cường quốc về biển. "Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lấn biển không ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm tăng cơ hội phát triển, tăng không gian sống cho người Việt Nam và góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường. Cũng không nên quan ngại nhiều quá bởi vì ngoài Luật đất đai thì hoạt động lấn biển sẽ tham chiếu thêm các luật: TNMT, Luật Di sản, Luật Thủy sản", ông Thung nói.
Với việc luật hóa chủ trương lấn biển để phát triển kinh tế xã hội trong các văn bản pháp quy, Việt Nam sẽ có cơ hội khai thác hết các thế mạnh về biển, đảo trong các lĩnh vực hàng hải, cảng biển, logistic, khai thác thủy hải sản, đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ và đô thị biển. Từ đó mở rộng dư địa phát triển.
Cũng theo ông Thung, Việt Nam có 2 vùng có thể lấn biển được. Một là vùng ven biển nơi cửa sông, vũng, vịnh, những khu vực có khả năng xây dựng bến cảng lớn. Hai là vùng đảo, nơi diện tích đất để phát triển du lịch hay kinh tế xã hội vẫn còn ít, có thể nghiên cứu lấn ra để mở rộng diện tích, tuy nhiên đây là khu vực rất nhạy cảm, cần phải xem xét kĩ càng phù hợp với tài nguyên môi trường khu vực.
"Việc nghiên cứu, học hỏi thực tế từ các quốc gia có thế mạnh về lấn biển để tìm kiếm những giải pháp phù hợp, hiệu quả cho Việt Nam khi hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan là việc làm có ý nghĩa giúp phát triển kinh tế biển, khai thác bền vững, tối ưu hiệu quả tiềm năng của biển phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, hàng hải trên các vùng biển của Việt Nam", theo bà Nguyễn Thu Loan, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN-MT.
Cơ hội phát triển kinh tế từ hoạt động lấn biển
Nhằm triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm ngoái, Bến Tre mới đây đã công bố sẽ có khu lấn biển rộng 50.000 ha, chiều dài 65km bờ biển. Khu lấn biển được xác định là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, được đầu tư một cảng biển để đón tàu công suất lớn, ưu tiên phát triển ngành thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, logistics kết hợp thương mại dịch vụ, du lịch…
Phối cảnh cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường qua khu lấn biển 50.000 ha. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Bến Tre
Lấn biển thời gian qua đã trở thành hoạt động kinh tế và ngày càng phổ biến tại các tỉnh có đường bờ biển dài. Với dự án đầu tiên tại Rạch Giá, Kiên Giang vào năm 1999, theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có thể kể đến những dự án quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang,...
Giới chuyên gia nhận định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho một hoạt động kinh tế ngày càng phổ biến như lấn biển là rất cần thiết. Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã "đi tắt đón đầu", ban hành các quy định về quản lý hoạt động lấn biển từ sớm như: Hà Lan ban hành Luật Đê, đập và lấn biển từ năm 1904; Australia ban hành Luật Khai hoang từ năm 1930; Nhật Bản ban hành Luật Lấn biển các vùng nước công năm 1964, Singapore ban hành Luật Đường bờ (Foreshore Act) quy định về lấn biển và việc sử dụng các vùng đất ngập nước, bãi bồi ven biển…
Một số quốc gia khác không ban hành luật riêng nhưng có quy định về lấn biển là một phần trong các luật khác như: Nam Phi quy định trong Luật Quản lý tổng hợp vùng bờ (sửa đổi); Indonesia quy định trong Luật Quản lý vùng bờ và các đảo nhỏ (năm 2007, đã được sửa đổi bổ sung năm 2014), Luật Bảo vệ và quản lý môi trường (2009), Trung Quốc quy định trong Luật Phân vùng chức năng sử dụng biển, Luật Quản lý sử dụng không gian biển, Luật Bảo vệ đảo… Các quốc gia khác trong khu vực như Myanmar, Brunei, Thái Lan… đều có quy định, hướng dẫn phục vụ công tác quản lý hoạt động lấn biển và đánh giá tác động tới môi trường, hệ sinh thái biển.
Palm Jumeirah - đảo nhân tạo lớn bậc nhất thế giới được xây dựng tại Dubai và là biểu tượng của tiểu vương quốc này.
Nhờ đó mà hoạt động lấn biển trên thế giới đã diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ suốt cả thế kỷ qua, thúc đẩy kinh tế đi lên. Chẳng hạn như Trung Quốc – một trong những nước lấn biển nhiều nhất thế giới, diện tích lấn biển đạt khoảng 13.000 km2 dọc theo đường bờ biển trong giai đoạn 1949 đến những năm 1990; Singapore đã mở rộng thêm 24% diện tích kể từ những năm 1960, từ 580 km2 thành 717 km2; UAE ghi dấu ấn với những cụm đảo nhân tạo xa hoa, quy tụ giới siêu giàu giúp nước này phát triển kinh tế mạnh mẽ…
Có thể thấy các nước có kinh nghiệm lấn biển đều quan tâm tới việc xây dựng sớm khung pháp lý cho lấn biển: quy hoạch, kế hoạch lấn biển; quy định chặt chẽ quản lý hoạt động này nhằm tránh những tác động tiêu cực về môi trường; quy định về việc sử dụng đất sau khi lấn biển. Bên cạnh đó, các nước cũng quan tâm tới hướng dẫn về kỹ thuật, phương pháp lấn biển. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham chiếu trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật.