Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ đang có những chuyển biến tích cực, với nhiều dự án tăng tốc thi công.
Nhiều dự án tại TP.HCM thành hình
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thị sát các dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM trong những ngày sau Tết, các nhà thầu đã tăng tốc thi công. Đến nay, một số dự án đã thành hình và chuẩn bị đưa vào khai thác trong năm 2024.
Đầu tiên là Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 50 (đoạn xây dựng mới đi song song với Quốc lộ 50 hiện tại) đã thành hình, một số đoạn đã thảm lớp nhựa. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, hiện tại, Dự án còn vướng một số điểm chưa giải tỏa được mặt bằng. Cả gói thầu xây lắp vẫn đảm bảo tiến độ thi công để hoàn thành vào cuối năm nay.
Hai dự án nút giao quan trọng là An Phú và hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng tăng tốc thi công ngay sau Tết Nguyên đán.
Ông Phúc cho biết, từ ngày 8/2, toàn bộ phần đường tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được rào chắn 24/24 giờ để thi công. Dự án dự kiến hoàn thành, thông xe nhánh hầm HC2 trước ngày 30/6 và thông xe nhánh hầm HC1 trước ngày 31/12/2024. Đối với nút giao An Phú, trong tháng 1/2024, Ban Giao thông đã khởi công thêm 4 gói thầu xây dựng cầu vượt. Dự kiến hoàn thành hầm chui, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố vào cuối năm 2024 và đến ngày 30/4/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án này.
Trong số các dự án trọng điểm tại TP.HCM, thì Dự án đường Vành đai 3 có phần thuận lợi hơn, khi đã bàn giao được hơn 97% mặt bằng. Các gói thầu xây lắp đã đồng loạt khởi công. “Dự án cần khoảng 9,2 triệu m3 cát đắp nền, song chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp nên có nguy cơ thiếu hụt. Thành phố đang tiếp tục phối hợp các địa phương liên quan đề nghị hỗ trợ”, ông Phúc thông tin.
Cùng với các dự án đường bộ, TP.HCM đang tất bật cho việc chuẩn bị khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án đã hoàn thành hơn 97% tổng khối lượng và lên kế hoạch khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Hiện nay, mỗi ngày có 3 đoàn tàu chạy thử toàn tuyến để chuẩn bị cho việc khai thác thương mại.
Dự án nhà ga, sân bay tăng tốc
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày 30/4/2025.
Đại diện của ACV cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng, các nhà thầu huy động thêm nhân lực, làm việc 3 ca, 4 kíp để kịp tiến độ. Tính đến giữa tháng 2/2024, Dự án đã giải ngân được 2.477/10.825 tỷ đồng.
Đối với Dự án Sân bay Long Thành, giai đoạn I, Thủ tướng chỉ đạo ACV, năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để 6 tháng đầu năm 2026 tập trung hoàn thiện, bàn giao đưa vào khai thác.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, các nhà thầu tập trung tăng tốc thi công. Đại diện của ACV cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Hiện tại, hạng mục móng cọc nhà ga hành khách vượt tiến độ hơn một tháng so với hợp đồng.
Tính đến giữa tháng 2/2024, công tác đổ bê tông móng đạt 82,51% và đang chuẩn bị lắp thép dầm tầng trệt, thép cột để thi công lên các tầng trên. Đại diện ACV khẳng định, tiến độ thực hiện các hạng mục của dự án bám sát kế hoạch, đáp ứng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang có những chuyển động tích cực. Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tính đến ngày 21/2, một số đoạn đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành đắp nền, nhiều đoạn đã trải cấp phối đá mi và thành hình đường cao tốc. Dự kiến trong năm 2024, dự án này hoàn thành 70% giá trị công trình và đến ngày 30/9/2025 dự án sẽ hoàn thành toàn bộ, sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch.
Trong khi đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu thi công vượt tiến độ, thì đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang chậm trễ do vướng giải phóng mặt bằng. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chia nhỏ các dự án giải phóng mặt bằng để giao các huyện thực hiện, thay vì để một mình Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh thực hiện. Đây là một trong những giải pháp mới nhất mà Đồng Nai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.