Không đủ nhà ở gây ra nhiều vấn đề vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và bất bình đẳng xã hội.
Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, toàn nước Mỹ thiếu 5,5 triệu ngôi nhà so với mức cần thiết, theo ước tính của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ vào năm 2021. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi các khoản thế chấp lãi suất cao khiến các chủ sở hữu không muốn bán nhà để tiếp tục hưởng mức lãi suất thấp mà họ đã có từ đại dịch Covid-19, đẩy nguồn cung nhà xuống mức thấp hơn.
Những tác động của tình trạng thiếu nhà ở đang lan rộng khắp nền kinh tế Mỹ, rõ ràng nhất là việc sở hữu nhà đang dần trở thành đặc quyền của những người có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhà ở còn gây ra các vấn đề về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và bất bình đẳng giàu nghèo.
Mark Fleming, nhà kinh tế trưởng tại First American, một công ty bảo hiểm quyền sở hữu nhà, cho biết: “Thiếu nhà ở không tốt cho nền kinh tế Mỹ. Chúng ta cần nhà có giá cả hợp lý cho toàn bộ người dân”.
Lạm phát tồi tệ hơn
Đối với hầu hết các hộ gia đình, chi phí nhà ở chiếm ngân sách lớn nhất. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ lạm phát chính thức, được thiết kế để đo lường chi phí sinh hoạt, rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào về chi phí nhà ở. Chi phí nhà ở chiếm 45% Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, vốn là thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi nhất.
Giá thuê nhà tăng là nguyên nhân gây ra phần lớn lạm phát được đo bằng CPI và là lý do chính khiến lạm phát tăng vọt sau đại dịch - hiện vẫn chưa về mức 2% theo kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nhưng cho dù ngân sách của các hộ gia đình có bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về chi phí nhà ở hay không thì lạm phát cao hơn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế theo vô số cách, chẳng hạn như làm tăng chi phí đi vay đối với tất cả các khoản vay.
“Khi vay thế chấp thời điểm hiện tại để mua ô tô hoặc đầu tư vào kinh doanh hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động mua sắm lớn nào, bạn sẽ phải trả lãi suất cao hơn”, Danielle Hale, nhà kinh tế trưởng tại Realtor.com cho biết.
Thị trường việc làm yếu
Chi phí nhà ở cao hơn khiến người lao động khó di chuyển đến nơi ở mới để nhận được những công việc tốt hơn và các doanh nghiệp cũng bị giảm khả năng tìm được người lao động phù hợp. Hệ quả là, nền kinh tế sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.
Fleming nói: “Sức mạnh của thị trường lao động trong việc kết hợp đúng lao động với đúng ngành và những điều tương tự từng là một dấu ấn lịch sử của nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng hiện nay, việc mọi người không còn sẵn sàng dịch chuyển nơi ở đang trở thành lực cản về mặt kinh tế”.
Tuy nhiên, Fleming và Hale cho biết lực cản trên đã giảm đi chút ít trong thời gian gần đây do sự gia tăng các công việc từ xa.
Tăng trưởng kinh tế kém hơn
Nền kinh tế cũng đang bỏ lỡ nhiều cơ hội được tạo ra bởi việc di chuyển nơi ở. Ví dụ, các nhà kinh tế cho rằng thị trường nhà ở Mỹ đóng băng là nguyên nhân khiến doanh số bán đồ nội thất và thiết bị giảm.
Chưa kể, bản thân việc xây dựng nhà cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung, chiếm từ 3% đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo một phân tích của Hiệp hội Xây dựng Mỹ.
Bất bình đẳng giàu nghèo
Đối với hầu hết các gia đình trung lưu, căn nhà chiếm phần lớn nhất trong giá trị tài sản ròng của họ. Những người không thể sở hữu nhà vì chi phí cao sẽ không có được cơ hội lớn để xây dựng sự giàu có, và điều này có khả năng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Fleming nói: “Việc sở hữu nhà, do đó, rất quan trọng đối với sự thành công trực tiếp về mặt kinh tế của hộ gia đình và các thế hệ tương lai. Trong một thị trường khan hiếm nguồn cung, việc sở hữu nhà khó hơn so với trước đây, khiến ngày càng ít người có cơ hội bắt đầu tích lũy tài sản và xây dựng sự giàu có”.