Bình Thuận quy hoạch nhiều khu du lịch ven biển với quy mô hàng ngàn hecta
Bình Thuận sẽ có thêm 3 khu du lịch ven biển với quy mô hơn 5.000ha. Những khu du lịch này sau khi hình thành và phát triển sẽ tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
HĐND tỉnh Bình Thuận mới đây đã thông qua các Nghị quyết nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thêm 3 khu du lịch ven biển, có tổng diện tích hơn 5.000 ha, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cụ thể, khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) có quy mô hơn 1.000 ha; khu Tân Thuận - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) hơn 1.600 ha và khu Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân) hơn 2.400 ha.
Cả 3 khu được quy hoạch theo hướng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, dân cư với trọng tâm là du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong đó, khu quy hoạch du lịch Cổ Thạch – Bình Thạnh, huyện Tuy Phong có bờ biển dài khoảng 17 km, bãi biển sạch và hoang sơ.
Với vị trí địa lý nằm trong xã Bình Thạnh, giữa thị trấn Liên Hương và xã Chí Công là vùng động lực phát triển kinh tế biển của huyện Tuy Phong, là trung tâm tuyến du lịch ven biển Phan Thiết – Nha Trang.
Khu vực biển Tân Thuận - Tân Thành (Hàm Thuận Nam) có bờ biển khá dài với hình thù kỳ lạ xen kẽ những bãi cát trắng mịn. Vị thế nơi đây cũng có rất nhiều lợi thế khi hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai như: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua Hàm Thuận Nam.
Cùng với đó là 2 tuyến đường ven biển được triển khai để phục vụ phát triển du lịch vùng ven biển phía nam Bình Thuận. Đặc biệt là khu du lịch này có mũi Kê Gà với rất nhiều dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng lớn và chuyên sâu về giải trí, thể thao trải nghiệm trên biển và phục vụ các giải thi đấu lớn.
Còn Khu du lịch Tân Thắng – Thắng Hải (huyện Hàm Tân) lại có lợi thế cách Sài Gòn chỉ hơn 100 km và rất gần với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để phát triển khu công nghiệp, cảng biển, đặc biệt là du lịch.
Tỉnh Bình Thuận hiện có tổng cộng 5 khu du lịch được quy hoạch gồm 3 khu vừa được thông qua còn có Khu du lịch quốc gia Mũi Né và Khu du lịch đảo Phú Quý đã được phê duyệt quy hoạch trước đó.
Kỳ vọng các khu du lịch ven biển này hình thành và phát triển sẽ tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang mọc lên dọc các bãi biển Bình Thuận
Bình Thuận là địa phương nằm khu vực duyên hải Nam trung Bộ với diện tích tự nhiên 7.943,93 km2, dân số khoảng gần 1,3 triệu người.
Bình Thuận tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng về phía Bắc, giáp Ninh Thuận về phía Đông Bắc, giáp Đồng Nai về phía Tây, giáp Bà Rịa – Vũng Tàu phía Tây Nam và giáp biển Đông về phía Đông và Nam.
Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng khi có đường bờ biển kéo dài với hàng loạt bãi tắm nổi tiếng.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, đến năm 2030, Bình Thuận sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.
Hiện nay, dọc các khu vực ven biển của Bình Thuận như Mũi Né, Phan Thiết, Kê Gà, La Gi… đã và đang mọc lên hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, Bình Thuận còn có lợi thế về phát triển khu công nghiệp, năng lượng điện gió, ngành đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nông nghiệp…
Bình Thuận cũng có mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển với các tuyến huyết mạch gồm quốc lộ 1, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, sân bay Phan Thiết đang xây dựng…