Công viên này sẽ tạo ra mảng xanh, khu vui giải trí và là nơi để học sinh, sinh viên, người dân nghiên cứu về hệ sinh thái ngập nước.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo phương án quy hoạch chi tiết khu vực dự án 5 (khu Công viên Hùng Vương) thuộc thành phố Phan Thiết.
Theo báo cáo, trên cơ sở phương án điều chỉnh quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA) đã tổ chức lập và trình UBND thành phố Phan Thiết phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu vực dự án 5 (khu công viên Hùng Vương) tại Quyết định số 3782/QĐ-UBND ngày 20/7/2023.
Đến nay, Ban QLDA đã hoàn chỉnh nội dung đồ án quy hoạch chi tiết khu công viên Hùng Vương; đồng thời, phối hợp cùng 3 phường của thành phố Phan Thiết: Phú Thủy, Phú Hài và Thanh Hải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án quy hoạch chi tiết.
Quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết, Ban QLDA đã điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh một số nội dung theo phương án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất.
Cụ thể, bổ sung quy hoạch khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm tỉ lệ từ 5-7% diện tích khu quy hoạch và xác định vị trí phù hợp trong khu vực này để quy hoạch xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
Mở rộng tuyến đường đi bộ bao dọc kênh thoát lũ (8-10m) và bổ sung các khoảng không gian nghỉ chân, ngắm cảnh dọc theo tuyến.
Bố trí một hệ thống đường dạo cho cả khu (không bố trí 2 hệ thống khác cao độ) và thay đổi cao độ theo từng vị trí cho phù hợp hiện trạng, nhu cầu dạo mát, ngắm cảnh...; bổ sung phương án, giải pháp chiếu sáng, đảm bảo cảnh quan, an toàn cho khu vực cả ngày và đêm.
Phương án quy hoạch chi tiết khu công viên Hùng Vương đã nghiên cứu và bổ sung hoàn chỉnh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính của đồ án.
Cơ cấu sử dụng đất khu vực công viên sinh thái ngập nước là 207.210m2 và khu vực phát triển mới là 116.434m2, trong đó gồm đất văn hóa, đất thương mại - dịch vụ, quảng trường, hành lang cây xanh bảo vệ và đường ven sông, giao thông, mặt nước.
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo các lớp khác nhau, tạo được tính chuyển tiếp từ khu vực phát triển đô thị bên trong ra đến khu vực bờ sông, bao gồm: Không gian vùng đệm, không gian vùng lõi, hành lang sinh thái ven sông.
Phân vùng cảnh quan gồm 2 khu vực: Khu vực phát triển mới bao gồm khu quảng trường trung tâm; khu công trình văn hóa; khu công trình thương mại - dịch vụ; hành lang bảo vệ ven sông; Giao thông nội khu và khu vực bãi đậu xe. Khu vực thứ 2 là khu vực bảo vệ hệ sinh thái ngập nước có các cây xanh tự nhiên hiện hữu nằm bên trong, giáp với sông Bình Lợi...
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận đầu tư khu công viên sinh thái ngập nước mục đích tạo ra mảng xanh, tạo khu vui giải trí và là nơi để học sinh, sinh viên người dân nghiên cứu về hệ sinh thái ngập nước gắn với đầu tư Bảo tàng tỉnh và dời Bảo tàng cũ.
Quốc lộ 1A hay còn gọi với tên địa phương là quốc lộ 1, đường thiên lý, đường cái quan, đường 1 hay đường xuyên Việt. Đây là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam. Quốc lộ khởi đầu (km 0) tại cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, tọa lạc tại thị xã Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, kết thúc tại thị xã Năm Căn, Cà Mau với tổng chiều dài 2.360km. Trong đó, tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo đường quốc lộ 1A chính là tỉnh Bình Thuận. Mặc dù không có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng chiều dài của tỉnh này lên tới 178,5km. Xếp thứ hai trong danh sách là Khánh Hoà với 151,9km; đứng thứ 3 đó chính là Hà Tĩnh với chiều dài là 125km.
Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Đường bờ biển của tỉnh dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây cũng là 1 trong 5 tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (Bình Thuận xếp thứ 5, sau Khánh Hoà, Cà Mau, Quảng Ninh, Kiên Giang).