Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm, bắt đầu từ ngày 01/7/2024, trong đó điểm mới đáng lưu ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Theo Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn hiệu lực, có sự phân biệt giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" khi tiếp cận đất đai.
Tuy nhiên, Điều 4 của Luật Đất đai năm 2024 quy định về người sử dụng đất, đã xếp "cá nhân trong nước" và "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" cùng một nhóm, gọi chung là "cá nhân". Ngoài ra, quy định về người sử dụng đất cũng bổ sung thêm nhóm "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài:.
Như vậy, liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài hay gọi chung là Việt kiều sẽ có 2 nhóm đối tượng được Luật Đất đai 2024 công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện, đó là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" và "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".
Bên cạnh đó, Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định về nhận quyền sử dụng đất, cho phép người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao (Khoản c) và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế (Khoản h).
Có thể thấy, người gốc Việt Nam có nội hàm rộng hơn người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Khoản 4 Điều 3 của Luật Quốc tịch năm 2014, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cần lưu ý, một trong những điều kiện bắt buộc để người gốc Việt Nam được quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở theo các quy định nêu trên là họ phải được phép "nhập cảnh vào Việt Nam"; thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam.
Luật Đất đai 2024 đã mở rộng rất nhiều về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho kiều bào. Khi Luật chính thức có hiệu lực, Việt kiều sẽ được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước. Nhiều người sẽ chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam.
Điều này giúp thị trường bất động sản có thêm nhu cầu lớn từ bà con Việt kiều, tạo đầu ra cho phân khúc nhà ở cao cấp hiện đang gặp tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, thu hút lượng lớn kiều hối vào trong nước.
Tại một hội thảo về mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều năm 2023, ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, rất nhiều kiều bào muốn về nước định cư, đầu tư nhưng không biết được sở hữu bất động sản thế nào.
Theo ông Peter Hồng, hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn 1 triệu người thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này, hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời.